Hồng Kông nằm ở phía đông nam Trung Quốc, cách Macau 60km và nằm ở đối diện với đồng bằng sông Châu Giang. Hồng Kông được bao quanh bởi biển nam Trung Hoa ở phía đông, phía nam và phía tây; phía bắc giáp với đặc khu kinh tế Thẩm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bằng sông Sham Chun.
Lãnh thổ Hồng Kông bao gồm các phần chính là: đảo Hồng Kông (81 km2), bán đảo Cửu Long (47 km2), Tân Giới (748 km2) cùng với đảo Lantau và 262 hòn đảo lớn nhỏ khác (228 km2). Đảo Lantau là hòn đảo lớn nhất Hồng Kông với sân bay và khu giải trí Disneyland trong khi Hồng Kông là đảo lớn thứ hai, đông dân cư nhất và là trung tâm tài chính, kinh tế của Hồng Kông.
Khí hậu Hồng Kông thuộc kiểu bán nhiệt đới, chia làm 4 mùa và chịu ảnh hưởng của gió mùa. Vào mùa đông khí hậu lạnh hơn và khô từ tháng 12 đến đầu tháng 3 dương lịch và nóng, ẩm và mưa vào mùa xuân đến mùa hè. Vào mùa thu trời nắng và khô. Mùa xuân và mùa thu được coi là thời tiết lý tưởng nhất, thường nắng và khô ráo. Hồng Kông thường có khí xoáy tụ nhiệt đới vào mùa hè và mùa thu. Hệ sinh thái của Hồng Kông chịu ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu này. Khí hậu của Hồng Kông theo mùa là do các hướng gió thay đổi giữa mùa đông và mùa hè.
Thời gian nắng trung bình năm là 1.948 giờ, nhiệt độ cao nhất là 36 °C (97.0 °F) và nhiệt độ thấp nhất ít khi xuống dưới 10oC. Thời tiết giá lạnh chỉ xảy ra một đến hai lần trong năm tại khu vực giáp với Đại lục và khu vực núi cao. Tại Hồng Kông chưa bao giờ có tuyết.
Dân số Hồng Kông có khoảng 95% dân số có nguồn gốc từ Trung Quốc, phần lớn trong số đó là người Quảng Đông hoặc các dân tộc khác như Hakka, Teochew. Khoảng 5% dân số còn lại là sự pha trộn của các nguồn gốc nhập cư từ các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Nêpan và từ Việt Nam… Hiện nay Hồng Kông có khoảng 140.000 người giúp việc đến từ các nước Indonesia, Philippines. Ngoài ra còn có một bộ phận người nước ngoài sống và làm việc trong các lĩnh vực tài chính, thương mại đến từ các nước như EU, Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Do cấu trúc dân số như trên, đại bộ phận dân số Hồng Kông (90%) theo các tôn giáo địa phương, là sự pha trộn giữa Phật giáo (Buddhism) và đạo Lão (Taoism). Dân số theo Số người theo Cơ đốc giáo vào khoảng 560.000 người, chiếm 8-9% dân số, trong đó một nửa là Thiên chúa giáo và nửa kia là Tin lành. Cộng đồng các tôn giáo thiểu số tại Hồng Kông bao gồm Hồi giáo (khoảng 90.000 người), giáo phái The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (22.000 người), Do thái (4.000 người), Jehovah’s Witnesses (4.600 người) và một số giáo phái nhỏ khác như Hindus, Sikhs, Bahá’ís…
Tiếng Trung (Quảng Đông) và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức. Khoảng 95% dân số nói tiếng Quảng Đông, khoảng 38% dân số nói tiếng Anh. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong chính phủ, hệ thống pháp lý, các nghề nghiệp chuyên môn và lĩnh vực kinh doanh. Có rất nhiều người có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Quảng Đông, tiếng Anh và tiếng Phổ thông.
Từ Thời kỳ đồ đá cũ, vùng đất này đã có người sinh sống và đến thời Nhà Tần, nó được sáp nhập lần đầu vào Trung Hoa rồi được Nhà Đường và Nhà Tống sử dụng làm một trạm thương mại và căn cứ hải quân. Theo tài liệu lưu trữ, vào năm 1513, Jorge Álvares – một thủy thủ người Bồ Đào Nha – là người châu Âu đầu tiên đến đây. Mối liên lạc với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được thiết lập sau khi Công ty Đông Ấn Anh thành lập một trạm buôn bán ở thành phố Quảng Châu gần đó.
Năm 1839, việc triều đình Nhà Thanh từ chối nhập khẩu nha phiến đã dẫn đến Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh. Ban đầu đảo Hồng Kông bị các lực lượng Anh chiếm vào năm 1841 và đến cuối cuộc chiến chính thức được nhượng cho Anh theo Hiệp ước Nam Kinh. Anh đã thiết lập một Thuộc địa trực thuộc Anh (Crown Colony) với việc thành lập Thành phố Victoria một năm sau. Năm 1860, sau khi Trung Quốc thất bại trong Chiến tranh Nha phiến thứ 2, Bán đảo Cửu Long (Kowloon) phía Nam Phố Boundary và Đảo Stonecutter đã được nhượng vĩnh viễn cho Vương quốc Anh theo Hiệp định Bắc Kinh. Năm 1898, Nhà Thanh cho Anh thuê các đảo gần đấy và Đảo Lantau với thời hạn 99 năm, từ đó đảo có tên là Tân Giới.
Cuối thế kỷ 19 Hồng Kông là một cảng thương mại lớn của Đế quốc Anh. Hồng Kông đã được công bố là một cảng tự do và có vai trò như một trung tâm xuất nhập khẩu (entrepôt) của Đế quốc Anh. Năm 1910, tuyến Đường sắt Cửu Long-Quảng Châu bắt đầu hoạt động với một ga cuối phía Nam ở Tsim Sha Tsui. Người Anh đã áp dụng hệ thống giáo dục Anh vào Hồng Kông. Người Hoa địa phương ít tiếp xúc với cộng đồng tài phán (tai-pan) người châu Âu giàu có định cư gần Victoria Peak.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Đế quốc Nhật Bản đã xâm lược Hồng Kông như một phần của chiến dịch quân sự trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trận chiến Hồng Kông kết thúc với việc các lực lượng bảo hộ Anh và Canada giao nộp quyền kiểm soát thuộc địa này cho Nhật Bản ngày 25 tháng 12. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông, người dân ở đây đã phải gánh chịu nạn thiếu lương thực do sự áp đặt khẩu phần gây ra và nạn siêu lạm phát do áp đặt tỷ giá của quân đội Nhật. Năm 1945, khi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tiếp tục kiểm soát thuộc địa này sau thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến, dân số Hồng Kông còn khoảng 600 nghìn so với 1,6 triệu người trước khi Nhật xâm chiếm.
Quân Nhật Bản hành quân dọc theo Queen’s Road (Phố Hoàng hậu) sau khi Anh đầu hàng năm 1941.
Dân số Hồng Kông phục hồi nhanh chóng sau chiến tranh, khi một làn sóng dân nhập cư từ đại lục đến để tị nạn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc đang diễn ra giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Với sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, nhiều người nhập cư tìm đến Hồng Kông vì sợ sự ngược đãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

(Sưu tầm)

Bài viết liên quan